Nội dung bài viết
Khám tim mạch hay khám sàng lọc tim mạch có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm triệu chứng và điều trị bệnh lý tim mạch. Vậy khám tim mạch cần khám những gì và được thực hiện ra sao?
Hãy cùng Dược sĩ Đạt tìm hiểu rõ hơn về chủ đề này!
1. Khám lâm sàng tim mạch
Trong bất kỳ một quy trình khám chữa bệnh nào thì việc khám lâm sàng cũng luôn là bước đầu tiên. Vai trò của việc khai thác lâm sàng là giúp bác sĩ có thể nắm bắt tình trạng bệnh của bệnh nhân về những triệu chứng bất thường, các yếu tố nguy cơ bệnh tật, từ đó định hướng các chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp để đưa ra chẩn đoán xác định.
Khám lâm sàng tim mạch sẽ gồm những bước sau:
- Tiếp cận người bệnh: Việc này sẽ giúp khai thác các yếu tố cơ bản của người bệnh như: tuổi, tiền sử bệnh của bản thân và gia đình, nghề nghiệp, môi trường sống, các thuốc đang điều trị, tình trạng nghiện rượu, thuốc lá,…Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng sức khỏe người bệnh.
- Khám thực thể người bệnh: Thực hiện bằng cách quan sát, sờ, gõ và nghe. Việc khám sẽ bao gồm:
- Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn gồm: tần số mạch, nhiệt độ cơ thể, huyết áp và tần số nhịp thở
- Sờ mạch: giúp đánh giá tần số mạch, độ đàn hồi của thành mạch, độ nảy của mạch, tính chất của mạch đều hay rối loạn.
- Nghe tim: đánh giá tính chất đều rõ hay rối loạn của nhịp tim, phát hiện các tiếng thổi bất thường hoặc tiếng cọ màng tim,…
- Quan sát tĩnh mạch: kiểm tra có giãn tĩnh mạch hay viêm tĩnh mạch ngoại biên hay không,… Quan sát hội lưu tĩnh mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh nổi rõ, phồng to hay gặp trong bệnh lý suy tim, chèn ép tim, quá tải thể tích,…
- Thăm khám lồng ngực và sờ vùng ngực: giúp phát hiện các bất thường về biến dạng lồng ngực như lồng ngực hình ức gà hoặc lõm lồng ngực,…
- Sờ vùng tim, gõ vùng tim và nghe tim: Sờ vùng tim chủ yếu là sờ mỏm tim nhằm phát hiện vị trí và mức độ phì đại cơ tim và triệu chứng rung miu.
- Khám phổi, bao gồm sờ, gõ vùng phổi và nghe phổi: Khám phổi cũng sẽ giúp phát hiện các bệnh lý tim mạch như tràn dịch màng phổi, phù phổi trong bệnh lý suy tim. Những tiếng rale phổi cũng sẽ là gợi ý quan trọng cho bệnh lý tim mạch.
- Khám bụng và tứ chi: các dấu hiệu cổ chướng, phù chi dưới cũng là những dấu hiệu của các bệnh lý tim mạch. Vì vậy, khám bụng và tứ chi cũng nằm trong quy trình khám tim mạch.
Việc khám xét kỹ lưỡng giúp bác sĩ tim mạch phát hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến hoạt động và chức năng của tim, hệ thống mạch máu. Trong khi bác sĩ thực hiện việc khám lâm sàng, bạn cần mô tả chi tiết những triệu chứng khó chịu mà bạn gặp phải, từ đó bác sĩ chuyên khoa sẽ định hướng bệnh và đưa ra các chẩn đoán sơ bộ.
2. Chỉ định các xét nghiệm
Các xét nghiệm và chẩn đoán cận lâm sàng là phương pháp hỗ trợ chẩn đoán quan trọng bằng cách cho biết chính xác hoạt động và chức năng của hệ thống tim mạch. Tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh và hướng chẩn đoán mà bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc 1 số xét nghiệm cận lâm sàng sau:
2.1 Xét nghiệm máu
Kết quả xét nghiệm máu trong khám tim mạch cho biết số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trong máu, chức năng gan, thận. Trong trường hợp nghi ngờ tình trạng thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim, các bác sĩ sẽ chỉ định đo nồng độ men tim để kiểm tra mức độ tổn thương của cơ tim.
2.2 Điện tâm đồ
Đo điện tim là phương pháp theo dõi hoạt động điện học của tim từ đó xác định tốc độ, nhịp điệu của tim.
Điện tâm đồ là phương pháp được chỉ định nhiều nhất trong chẩn đoán các rối loạn nhịp tim hoặc xác định các tổn thương ở cơ tim. Ngoài ra, điện tim cũng được dùng để hỗ trợ chẩn đoán các trường hợp:
- Phì đại cơ tim, rối loạn dẫn truyền
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ
- Các rối loạn điện giải
- Các giai đoạn nhồi máu cơ tim hoặc tình trạng tái nhồi máu
- Các tổn thương ở màng ngoài tim, cơ tim
- Các trường hợp ngộ độc thuốc.
- Theo dõi máy tạo nhịp.
- Các trường hợp bệnh nhân tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hồi hộp đánh trống ngực, đau thắt ngực, khó thở…
2.3 Siêu âm tim
Siêu âm tim thường được chỉ định khi nghi ngờ các bệnh lý van tim, cơ tim, viêm nhiễm xung quanh van tim hoặc bất thường của các buồng tim.
2.4. Chụp X-quang tim phổi
Chụp X-quang ngực hay X-quang tim phổi cho biết các thông tin về cấu trúc tim, phổi, cột sống, xương sườn, lồng ngực… từ đó phát hiện các bệnh lý tim mạch, phổi và các cơ quan lân cận.
2.5. Chụp mạch vành
Cũng sử dụng tia X để khảo sát hình ảnh giải phẫu, phát hiện những bất thường và sự tổn thương mạch vành hiệu quả. Đánh giá chính xác mức độ tắc hẹp của mạch vành và đây cũng được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh mạch vành.
2.6. Chụp cộng hưởng từ tim
Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim là một xét nghiệm cao cấp vì không chỉ có độ chính xác cao, khả năng khảo sát rộng ở tim và mạch máu khắp cơ thể mà còn rất an toàn cho người bệnh khi thực hiện vì không sử dụng tia X. MRI tim có vai trò trong chẩn đoán các bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh van tim, phát hiện các khối u tim,…rất hiệu quả.
3. Đọc kết quả sau khi kết thúc quá trình khám tim mạch
Sau khi thực hiện xong quá trình khám tim mạch và nhận các kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về tình trạng tim mạch của bạn theo các thông tin:
- Bạn có đang mắc bệnh tim mạch nào không?
- Đó là bệnh lý gì?
- Mức độ tổn thương tim mạch như thế nào và ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể ?
- Đề xuất phương pháp điều trị: bao gồm chỉ cần áp dụng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh, hay điều trị bằng thuốc hay phải can thiệp phẫu thuật để cải thiện tình trạng bệnh lý tim mạch hiện tại và giúp ngăn ngừa biến chứng sau này?
Việc thăm khám sức khỏe và khám tim mạch nên được thực hiện định kỳ 6 tháng/lần để ngăn ngừa các nguy cơ bệnh tim. Với người đã có tiền sử bệnh tim hoặc có các yếu tố nguy cơ thì cần khám định kỳ thường xuyên hơn.
Ngoài ra, người bình thường cũng cần thực hiện lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh xa các chất kích thích như rượu, cà phê, chè, thuốc lá và tránh các căng thẳng thần kinh… để hạn chế nguy cơ xuất hiện những bệnh lý mạn tính, trong đó có bệnh tim mạch.
Cuối cùng, khi bạn hoặc người thân trong gia đình có bất kỳ triệu chứng nào bất thường như đã kể trên thì cần đi khám ngay để được kiểm tra tim mạch chuyên khoa một cách chính xác nhất.
Liên hệ với Dược sĩ Đạt:
- Facebook: Dược sĩ Đạt
- Youtube: Dược sĩ Đạt Official
- TikTok: Dược sĩ Đạt Official
- Email hợp tác: duocsinguyenvandat@gmail.com