Viêm Loét Dạ Dày Tá Tràng Nên Và Không Nên Ăn Những Loại Thực Phẩm Nào?

Viêm loét dạ dày tá tràng Dược sĩ Đạt

Viêm loét dạ dày tá tràng là một trong những căn bệnh tiêu hóa phổ biến nhất, đang có xu hướng gia tăng nghiêm trọng tại Việt Nam. Đáng lo ngại, đến 70% dân số đang có yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu là do nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori, gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa và thủng dạ dày.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng cực kỳ quan trọng trong quá trình điều trị. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp giảm bớt triệu chứng mà còn cải thiện chức năng tiêu hóa và thúc đẩy quá trình phục hồi các mô bị tổn thương.

Vậy đâu là cách chọn thực phẩm phù hợp cho những người bị viêm loét dạ dày tá tràng? Họ nên và không nên ăn những loại thực phẩm nào? Hãy cùng tìm hiểu để có những lựa chọn dinh dưỡng thông minh, giúp bảo vệ sức khỏe của bạn!

Hãy cùng Dược sĩ Đạt tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết này nhé!

1. Nguyên tắc lựa chọn thực phẩm cho bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng

Nguyên tắc chung trong việc lựa chọn thực phẩm dành cho bệnh nhân viêm-loét-dạ-dày tá tràng chính là tránh lựa chọn các loại thực phẩm có tính acid cao, cay nóng mà thay vào đó mọi người nên lựa chọn các loại thực phẩm ít acid, ít đường giàu vitamin và khoáng chất có khả năng giúp giảm tiết acid bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Phân Loại Nhóm Thực Phẩm

Trái cây và rau quả: Khi lựa chọn trái cây và rau quả, cần tránh những loại có tính acid cao như các loại trái cây họ cam quýt và cà chua. Thay vào đó, hãy ưu tiên rau củ ít acid như dưa chuột, khoai tây, cà rốt cùng với các loại trái cây có lượng đường thấp như việt quất, dâu tây, ổi, táo và lê. Ngoài ra, hãy hạn chế sử dụng các loại rau thơm và gia vị có tính cay nóng như ớt, hành, tiêu và tỏi (có thể dùng một lượng nhỏ).

Ngũ cốc: Đối với các bệnh nhân viêm loét dạ-dày tá tràng, những nguồn tinh bột tốt nên từ cơm trắng, gạo lứt, khoai tây, yến mạch và ngũ cốc nguyên hạt. Gạo lứt đặc biệt tốt cho sức khỏe dạ dày, vì vậy hãy cân nhắc chuyển sang loại gạo này. Nên tránh ngô và các sản phẩm từ ngô, cũng như ngũ cốc tinh chế, bánh mì tươi hoặc mì làm từ bột tinh chế.

Sữa: Sữa có thể được bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày, nhưng hãy chú ý không nên uống quá 500ml và chọn loại sữa tách béo. Tốt nhất là uống sữa sau bữa ăn khoảng 1 đến 2 tiếng. Uống sữa ấm có thể giúp giảm đau bụng và cảm giác đầy hơi, đồng thời hỗ trợ giấc ngủ. Sữa chua nguyên chất, ít béo cũng là lựa chọn tuyệt vời cho những người bị viêm loét dạ-dày.

Protein: Trứng và lòng trắng trứng là nguồn cung cấp protein tuyệt vời, nhưng bệnh nhân viêm loét dạ dày nên tránh ăn trứng chiên. Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, thay vào đó hãy lựa chọn thịt trắng và một số loại hải sản.

Gia vị: Hạn chế sử dụng gia vị cay như tiêu và ớt. Thay thế bằng các gia vị an toàn hơn như gừng, bạc hà và nghệ, những loại này không chỉ tăng hương vị mà còn giúp làm dịu hệ tiêu hóa. Để tạo sự ngọt ngào mà không cần dùng đường, hãy thay bằng mật ong.

Muối: Muối là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn nhưng lại thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn HP – nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày. Do đó, bệnh nhân nên hạn chế muối và những thực phẩm chứa nhiều muối.

Đồ uống: Những người mắc viêm loét dạ dày nên tránh trà, cà phê, soda và nước tăng lực vì chúng có tính acid cao. Các loại nước trái cây như nước cam và nước ép cà chua cũng không phù hợp. Bạn có thể chọn một số nước trái cây ít đường, nhưng tuyệt đối không nên sử dụng đồ uống có cồn như rượu và bia.

Đồ ăn nhanh: Thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh thường chứa nhiều dầu mỡ và chất béo, đồng thời thiếu chất xơ và vitamin thiết yếu. Việc tiêu thụ những món ăn này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và gia tăng khó tiêu, làm tình trạng bệnh của bạn trở nên trầm trọng hơn.

Hãy chú ý đến chế độ ăn uống của mình để bảo vệ sức khỏe dạ dày một cách hiệu quả!

2. Một số thực phẩm cho người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên hay không nên ăn?

2.1 Thực phẩm cho bệnh nhân viêm loét dạ dày nên ăn

Cơm

Cơm mềm, dễ tiêu hóa, và tránh kích thích dạ dày tiết nhiều acid; có tác dụng làm giảm cơn đau dạ dày, có thể hấp thụ các chất lỏng bên trong dạ dày, giảm nguy cơ tiêu chảy. Tác dụng tương tự đối với xôi, bánh mì, bánh chưng, cháo, khoai… Lưu ý các thực phẩm thô chưa tinh chế như bắp và các loại đậu… giàu chất xơ, vitamin (đặc biệt nhóm B), khoáng chất và các chất chống oxy hoá dù rất tốt cho sức khoẻ, nhưng khó tiêu hoá khi người bệnh đang có bệnh lý dạ dày.

Sữa chua

Sữa chua có nhiều probiotic, enzyme có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa, nâng cao sức đề kháng. Có nhiều ý kiến trái chiều về việc dùng sữa chua trong bệnh lý đau dạ dày, thực tế là sữa chua không béo có thể giúp ích trong đa số trường hợp, làm lớp đệm trên niêm mạc và giảm kích thích dạ dày. Tuy nhiên, bạn nên bắt đầu lượng ít và theo dõi phản ứng của cơ thể khi ăn để điều chỉnh.

Nghệ và mật ong

Hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong là bài thuốc đông y chính trong điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày. Nghệ có tác dụng chống viêm, giảm tiết dịch vị, kiềm hoá độ acid của dịch vị. Mật ong có tác dụng điều hòa nồng độ acid tại dạ dày, tránh tình trạng kích ứng dạ dày.

Nước ép táo

Nước ép táo dễ tiêu hoá và giàu dinh dưỡng, trong đó thành phần chất xơ hoà tan thúc đẩy hoạt động của dạ dày và đường ruột, phòng ngừa tiêu chảy và táo bón.

Thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin A, B, D, K, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magie: có nhiều trong ngũ cốc, rau củ màu đỏ và xanh đậm, cần được tăng cường trong khẩu phần để cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin, các khoáng chất do tiêu hóa hấp thụ kém trong bệnh lý dạ dày- tá tràng.

2.2 Thực phẩm cho bệnh nhân viêm loét dạ dày nên kiêng

Thực phẩm gây tổn thương đến niêm mạc dạ dày như: Rượu, bia, cà phê, trà đặc; các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng khô…; món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ và chất béo, món nướng tẩm nhiều gia vị như khoai tây chiên, các loại nước sốt kem, sốt mayonnaise, kem bánh ngọt và đồ ăn chế biến sẵn có các chất bảo quản như thịt hun khói, xúc xích…

Thực phẩm làm tăng acid dạ dày: Trái cây chua (cam, chanh, quýt, xoài, khế…); thực phẩm chua (dấm, mẻ);

Thực phẩm sinh hơi gây khó tiêu:  dưa cà muối, hành, hẹ, cần tây… các loại nước ngọt, nước trái cây có ga….

Nếu có điều gì thắc mắc cần giải đáp trực tiếp hãy liên hệ với Dược sĩ Đạt thông qua các đường link bên dưới nhé!

Liên hệ với Dược sĩ Đạt:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *